Notice: Trying to get property 'display_name' of non-object in /data/webhome/beta.ole.vn/public/wp-content/plugins/wordpress-seo/frontend/schema/class-schema-person.php on line 151

Notice: Trying to get property 'user_email' of non-object in /data/webhome/beta.ole.vn/public/wp-content/plugins/wordpress-seo/frontend/schema/class-schema-person.php on line 226

Notice: Trying to get property 'display_name' of non-object in /data/webhome/beta.ole.vn/public/wp-content/plugins/wordpress-seo/frontend/schema/class-schema-person.php on line 232

Thành công liên tiếp của các đội trẻ SLNA và niềm cảm hứng từ Văn Đức

Chủ Nhật, 04/08/2019


3 đội trẻ của SLNA đã vô địch giải quốc gia là U11, U13 và U15 trong năm nay. Với chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, ông không cảm thấy lạ vì điều này.

Đây không phải là lần đầu tiên đội U11, U13 hay U15 của SLNA cùng để lại dấu ấn trong một năm. 3 đội nói trên của xứ Nghệ cũng thống trị các giải trẻ ở lứa tuổi của họ vào năm 2018. Riêng đội U11 SLNA đã có cú hat-trick vô địch quốc gia các năm 2017, 2018 và 2019.

Thành công của bóng đá trẻ SLNA không khiến chuyên gia Nguyễn Thành Vinh bất ngờ. Theo cựu HLV của SLNA, mảnh đất xứ Nghệ có truyền thống đào tạo trẻ thường đi đầu cả nước. Tới nay, truyền thống đào tạo ra những cầu thủ tốt không chỉ cho SLNA, mà còn cho bóng đá Việt Nam vẫn đang được tiếp tục và phát triển.

Nghệ An là địa phương nổi tiếng đào tạo trẻ tốt. Ảnh: VFF.

Áp lực thành công

Những tài năng trẻ SLNA khi tham dự các giải quốc gia thường trội hơn cầu thủ đồng trang lứa. Theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, có nhiều nguyên nhân cho thành công này, mà một trong số đó là áp lực đào tạo.

“Trong một năm, tỉnh phải bỏ ra khoản tiền lớn cho công tác đào tạo trẻ. Nếu năm nào không được, không có giải đấu nào thành công, thì đơn vị đào tạo bị sụt giảm kinh phí. Ở đây, có quan điểm là phải đào tạo trẻ thật tốt để có nguồn kinh phí tốt”, ông Nguyễn Thành Vinh chia sẻ.

Các đội trẻ của SLNA đứng trước áp lực gặt hái thành công khá lớn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn kinh phí được cấp. Áp lực thành công nói trên dẫn đến sự nghiêm túc ở mức tối đa trong đào tạo.

Các thầy đứng trước áp lực phải đào tạo ra các cầu thủ tốt, trong khi học trò cũng có áp lực phải tiến bộ. Mỗi năm, lò SLNA vẫn loại ra nhiều cầu thủ ở các lứa tuổi khi nhận thấy họ không thể hiện được mình hoặc không thể phát triển thêm.

U13 SLNA vô địch quốc gia năm 2019, qua đó có lần thứ 7 lên ngôi ở lứa tuổi này. Ảnh: VFF.

Bên cạnh câu chuyện về áp lực đào tạo, một nguyên nhân khác được chuyên gia Nguyễn Thành Vinh chỉ ra là cầu thủ SLNA được cọ xát rất nhiều. Trong một năm, một cầu thủ trẻ của xứ Nghệ có thể đá nhiều giải hơn cầu thủ đồng trang lứa. Một thành viên U11 có thể chơi cả giải U13 hoặc cầu thủ U13 có thể đá giải U15.

“Mỗi năm, các cầu thủ trẻ được thi đấu rất nhiều. U11 đá tốt sẽ được tham dự U13, U15. Các cháu của lò SLNA được giao lưu, thi đấu nhiều, có kinh nghiệm hơn. So với cầu thủ đồng trang lứa, cầu thủ SLNA có bản lĩnh và dày dặn hơn khi thi đấu. Đây cũng là truyền thống nhiều năm nay của SLNA”.

Mong chờ lứa trẻ mới

Nếu như lứa U11, U13 và U15 liên tiếp gặt hái thành công thời gian qua, thì các đội U17, U19 và U21 của SLNA đã nhiều giải trẻ trôi qua không thể đạt mục tiêu cao nhất là vô địch.

Với đội U21, lần gần nhất SLNA vô địch giải toàn quốc đã là năm 2014. U19 thậm chí từ năm 2006, và đội U17 là từ năm 2012. Trong nhiều năm qua, các đội trẻ nói trên của SLNA có phần lép vế so với Hà Nội hay PVF.

Sự vươn lên của các lò đào tạo nói trên là một phần nguyên nhân khiến đội trẻ từ U15 trở lên không gặt hái được nhiều thành. Với chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, ông không quá lo lắng về tình trạng này. Theo ông, các lò đào tạo trẻ dù tốt đến đâu cũng có tính chu kỳ.

Văn Kiên (trái) là cầu thủ quê Nghệ An, nhưng được phát hiện và đào tạo bởi CLB Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến.

“Đào tạo trẻ phải chấp nhận có những năm thành công, nhưng cũng có giai đoạn không thành công. Có thể lứa đó, của năm đó không tốt về khâu tuyển chọn. Tính chu kỳ nằm ở chỗ đó”, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh nói.

Nguyên nhân được ông chú ý nhất là việc tuyển chọn các cầu thủ đầu vào. Tại Nghệ An, khoảng 21 trung tâm vệ tinh của SLNA có nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện các tài năng trẻ cho đội bóng. Tuy nhiên, nhiều lò đào tạo khác đã tìm tới mảnh đất này để “săn đầu người”, điều đó thể hiện qua việc có nhiều cầu thủ gốc Nghệ An, nhưng được đào tạo ở CLB khác.

Ông Nguyễn Thành Vinh nói: “Có những cầu thủ của Nghệ An vào tận Gia Lai hoặc ra tận Hà Nội tập luyện. Ngay Nghệ An cũng có lò VSH của Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, mà chính những nơi đó đào tạo rất nhiều tài năng trẻ cho Hà Nội”.

Theo ông, đây là xu thế tất yếu và SLNA phải chấp nhận, khi những cầu thủ Nghệ An không phải chỉ được đào tạo ở Nghệ An. Họ có thể lựa chọn nhiều nơi khác. Tình trạng này tuy có thể khiến SNA mất đi một số tài năng trẻ, nhưng là điều tốt cho bóng đá Việt Nam khi góp phần đào tạo thêm nhiều cầu thủ tốt và không bỏ sót tài năng nào.

Khi được hỏi có cảm thấy lo lắng cho bóng đá trẻ SLNA trong thời gian tới, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh tỏ ra hoàn toàn tin tưởng vào lứa trẻ mới của SLNA. Ông có 2 lý do để đặt niềm tin.

Văn Đức (trái) của bây giờ hay Công Vinh, Ngọc Hải của trước kia chính là những hình tượng để cầu thủ trẻ của SLNA hướng tới. Ảnh: Thuận Thắng.

“Cái đặc biệt của lò SLNA nằm ở chỗ đây chính là SLNA. Các em nhỏ tập luyện rất nhiều, ở khắp mọi nơi, từ nhiều sân bãi. Các em có đam mê lớn, khao khát thành công từ đó nỗ lực tập luyện, vươn lên”.

“Cứ nói đến SLNA, Công Vinh hay Văn Đức, các em lại có thần tượng để nhìn đó phấn đấu rồi tập luyện. Nó nằm ở chính đam mê. Các em muốn đi theo con đường của những anh lớn. Có đam mê mãnh liệt là sẽ trưởng thành”, ông Nguyễn Thành Vinh nói.

Lý do thứ 2 đến từ chính tài năng của U11, U13 và U15 vừa vô địch quốc gia trong cùng năm 2019: “Các lứa trẻ gần đây như U11, U13 và U15 được đánh giá rất cao, ca ngợi. Tôi tin những cầu thủ này khi trưởng thành sẽ đóng góp nhiều cho SLNA, có thể tốt hơn những đội U17, U19 hay U21 vừa qua”.