ĐT Việt Nam đấu Malaysia: Ai mạnh lên, yếu đi sau AFF Cup 2018?
Thứ Tư, 09/10/2019
ĐT Việt Nam và ĐT Malaysia sẽ gặp nhau ngày 10/10 tới với những gương mặt khác hẳn so với chung kết AFF Cup 2018.
Gần 1 năm trôi qua kể từ sau loạt trận chung kết AFF Cup 2018. ĐT Việt Nam đã đi tới tứ kết Asian Cup 2019 và tiếp tục phong độ ổn định ở King’s Cup trước khi bắt được lá thăm rơi vào bảng đấu có tới 3 đối thủ Đông Nam Á ở vòng loại World Cup 2022. Nếu như đội quân của thầy trò HLV Park Hang Seo tiếp tục thể hiện sức mạnh, bại tướng của họ ở chung kết AFF Cup cũng đã chuyển mình.
Trước thềm trận so tài tại Mỹ Đình ngày 10/10 tới, sự thay đổi về sức mạnh và điểm yếu của ĐT Việt Nam và ĐT Malaysia đã diễn ra thế nào? Bên nào yếu đi và bên nào mạnh lên? Malaysia đã có vũ khí gì mới để đối chọi Việt Nam?
Malaysia
HLV Tan Cheng Hoe vẫn tiếp tục gắn bó với ĐT Malaysia và sau thành công tại AFF Cup 2018, ông càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự xuất hiện của các cầu thủ trẻ sáng giá ở ĐTQG và đồng thời mở cửa cho các ngoại binh nhập tịch thi thố tài năng, với 3 cầu thủ nhập tịch mới được triệu tập.
Malaysia vẫn ra sân với sơ đồ 4 hậu vệ và 2 tiền vệ đánh chặn, trong khi trên hàng công 2 tiền đạo của họ vẫn hoạt động ở trung lộ để mở khoảng trống ngoài cánh cho 2 tiền đạo cánh (Mohamadou Sumareh và Safawi Rasid) liên tục xuống biên, với sự hỗ trợ của 2 hậu vệ biên dâng cao.
HLV Tan Cheng Hoe gọi 3 cầu thủ nhập tịch đều để lấp vào những vị trí ở hàng thủ: Matthew Davies và La’Vere Corbin-Ong đá hậu vệ biên trong khi Brendan Gan đảm trách vị trí tiền vệ đánh chặn. Davies và Corbin-Ong cũng sẽ leo biên tấn công, họ đều được đánh giá có sức bền và khả năng tranh chấp tốt hơn các nội binh ở cùng vị trí.
Ở loạt trận chung kết AFF Cup, các hậu vệ biên Malaysia thiếu hiệu quả khi dâng cao khiến ĐT Việt Nam không quá khó khăn trong việc dùng thế 2-chọi-1 để vây bắt các tiền đạo cánh, nhất là Sumareh. Còn kẽ hở trung lộ đã trực tiếp dẫn tới 2 bàn thua của họ ở chung kết lượt đi. Nay với 3 cầu thủ nhập tịch giải quyết các vấn đề này, Malaysia sẽ gây nhiều khó khăn cho ĐT Việt Nam.
Nhưng việc hai hậu vệ biên dâng cao đồng nghĩa Malaysia chấp nhận rủi ro ở hai cánh nếu đối phương phản công, và hy vọng rằng 2 tiền vệ trụ sẽ kịp ra bọc lót. Nhưng sau 2 trận đấu thì trong 4 bàn thua của họ, có 3 bàn đã đến từ việc hai biên bị khoét và tiền vệ trung tâm không kịp ra tiếp ứng.
Nỗi lo thể lực
Kể từ sau AFF Cup 2018, bộ khung của HLV Park Hang Seo không thay đổi quá nhiều nhưng chấn thương đã khiến Văn Đức và Đình Trọng vắng mặt. Dù vậy vị trí của họ đã được những Văn Toàn/Công Phượng và Bùi Tiến Dũng đảm nhiệm khá tốt.
Sự thay đổi lớn nhất đến ở hàng tiền vệ, Tuấn Anh được tín nhiệm trở lại đội tuyển và đã có trận đấu rất hay đấu Thái Lan hồi tháng 9, tranh chấp hiệu quả và cho thấy khả năng thoát pressing rất lợi hại. Phong độ của Tuấn Anh và Hùng Dũng ở trung tuyến cho phép thầy Park đẩy Quang Hải lên đá cao hơn, nhưng khi cần Quang Hải cũng có thể được rút xuống hàng tiền vệ để tăng khả năng kiểm soát thế trận.
Vấn đề với ĐT Việt Nam bây giờ nằm ở khía cạnh thể lực và tâm lý hơn là chiến thuật và chất lượng con người. Mật độ thi đấu khá dày ở cấp CLB, cộng thêm việc nhiều tuyển thủ đã chinh chiến liên tục từ năm 2018 đến giờ, khiến không ít cầu thủ ở vào trạng thái mệt mỏi mỗi lần lên tuyển. Ở trận gặp Thái Lan hồi tháng 9, tuyến tiền vệ của ĐT Việt Nam có nhiều thời điểm tỏ ra lép vế hơn hẳn trước khả năng áp sát hiệu quả của đối phương.
Ngay trong quá trình chuẩn bị gần đây ĐT Việt Nam cũng đã phải đón nhận một số ca chấn thương không may, từ Xuân Trường và Nguyên Mạnh cho tới Huy Toàn và Mạc Hồng Quân. HLV Park Hang Seo không những đã mất những trụ cột đá chính và lựa chọn dự bị, mà còn không có cả cơ hội thử những lựa chọn mới để đa dạng hóa phương án nhân sự.
Có thể nói so với loạt chung kết AFF Cup 2018, Malaysia đã mạnh lên và tươi mới hơn về mặt lực lượng. Trong khi đó ĐT Việt Nam đã có những thay đổi mang tính tích cực về mặt vị trí, nhưng sự mệt mỏi về thể lực là một mối lo đáng kể.