HLV Park Hang-seo và khi công trạng không đo bằng tiền
Thứ Sáu, 21/06/2019
Nhà cầm quân Hàn Quốc mang lại nhiều thành công cho bóng đá Việt Nam, nhưng mong muốn của ông về việc tăng lương khi ký hợp đồng mới đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Trước khi Park Hang-seo xuất hiện, bóng đá Việt Nam có một cột mốc không thể tệ hơn: thua Thái Lan 0-3 và bị loại ngay vòng bảng SEA Games 2017. Có đến tám cầu thủ thuộc thế hệ dự U20 World Cup đã đá trận đấu đó – dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, và cũng chính tám người này vừa có mặt trong trận thắng Thái Lan 1-0 tại King’s Cup hôm 5/6 vừa qua – dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo.
Chuyến đi của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đến Hàn Quốc cuối năm 2007 để vừa thương thảo, vừa ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo diễn ra hoàn toàn bí mật. Tấm ảnh lễ ký kết chỉ tình cờ được ghi lại và công bố bởi một phóng viên Hàn Quốc. Gần một năm sau đó, báo chí Hàn Quốc tiết lộ rằng chính HLV Park Hang-seo chủ động xin việc và đến Việt Nam sau khi VFF thất bại với ứng cử viên tốt nhất.
HLV Park Hang-seo trong lễ ký hợp đồng với VFF hôm 11/10/2017.
Hai chi tiết đó giúp xác định một yếu tố cực kỳ quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào: vị thế của đôi bên đã đảo chiều. Bóng đá Việt Nam có thể “tình cờ” ký được hợp đồng đầu tiên với giá cả phải chăng cùng HLV Park Hang-seo, nhưng những gì ông thầy người Hàn Quốc làm cho đến nay, hoàn toàn không may mắn. Vận may có thể đến một lần, hai lần, thậm chí ba lần nhưng không thể kéo dài suốt tám chiến dịch khác nhau mà ông đã cầm quân.
Có thể ông đã may mắn ở trận đấu với Afghanistan trong trận cầm quân đầu tiên tại vòng loại Asian Cup cuối năm 2017, nhưng sẽ không thể gọi là may mắn nếu đội U23 mà ông dẫn dắt lần lượt thắng Thái Lan ở giải M-150 ngay trên sân của họ, sau đó vào chung kết ở Thường Châu (Trung Quốc) và bán kết Asiad 2018. Ở cấp độ đội tuyển, từ ngôi vô địch AFF Cup 2018 đến tứ kết Asian Cup 2019 và khẳng định ngôi số một Đông Nam Á ở King’s Cup, rõ ràng là một tiến trình minh bạch về con số, vững chắc về chất lượng và thuyết phục về trình diễn.
Tính từ lúc ông có trận cầm quân đầu tiên đến nay, các đội bóng Việt Nam mà ông dẫn dắt chỉ thua tổng cộng chín trong tổng số 63 trận đấu (bao gồm cả giao hữu), và cũng chỉ thua những đội bóng mạnh hơn rất nhiều. Nếu cần cột mốc để so sánh, hay cần “con số không biết nói dối”, thì những thống kê đang có đều có thể khẳng định trước và sau khi có HLV Park Hang-seo, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt.
Thế nên, từ một Park Hang-seo của vùng Sancheong, phải nhờ người đại diện nộp đơn ứng tuyển, cho đến Park Hang-seo nổi tiếng xuyên biên giới Việt – Hàn là hai con người khác nhau, hai vị thế đàm phán khác nhau. Nhu cầu về lương bổng của ông cũng không thể giống như trước. Tất nhiên, tăng bao nhiêu mới đúng lại là một câu chuyện khác.
Chức vô địch AFF Cup 2018 chỉ là một trong nhiều mốc son mà HLV Park Hang-seo đạt được cùng bóng đá Việt Nam trong gần hai năm qua. Ảnh: Đức Đồng.
Sau Tiger Cup 2002, HLV Calisto chủ động mời rất nhiều phóng viên thể thao đến ăn bữa tối tại TP HCM. Tại đây, nhà cầm quân Bồ Đào Nha giãi bày về câu chuyện mà ông bị VFF từ chối tái ký hợp đồng sau khi bất ngờ đưa đội tuyển Việt Nam đoạt HC đồng giải đấu năm đó. Calisto không hiểu vì sao khi bóng đá Việt Nam đang sa sút thảm hại, VFF mời ông làm và đã làm rất tốt, thì ông không thể tiếp tục công việc, thậm chí không đưa ra bất kỳ lời đề nghị nào để ông có thể đàm phán. “Thầy Tô” khi đó nói rằng ông chỉ cần tăng… một USD cho bản hợp đồng mới.
VFF không ký với Calisto khi ấy, vì đã chọn sẵn người cũ Alfred Riedl với bản hợp đồng một năm, phục vụ kế hoạch HC vàng ở SEA Games 2003. Năm đó, HLV người Áo đã tạo nên cơn địa chấn với chiến thắng 1-0 trước “đệ tứ anh hào World Cup” Hàn Quốc tại vòng loại Asian Cup, rồi chỉ để thua Thái Lan ở chung kết SEA Games trên sân Mỹ Đình. Phải đến sau trận chung kết đó, VFF mới đưa ra đề nghị tái ký với Riedl, và hậu quả là họ nhận được cái lắc đầu dứt khoát, do ông đã nhận việc với đội Palestine từ trước.
Hệ quả từ hai lần tái ký hợp đồng ấy dẫn đến một năm 2004 cực kỳ thảm hại của bóng đá Việt Nam. Để rồi sau đó, VFF lại trở lại làm việc lần lượt với Riedl, Calisto từ các năm 2005 đến 2011. Bóng đá Việt Nam có thể đã khác nếu những nhà cầm quân đó kéo dài thời gian làm việc của họ, bởi khi ấy chúng ta đang có trong tay “thế hệ vàng” của Văn Quyến, Công Vinh, Tài Em, Minh Phương…
Nhờ sự uốn nắn, chỉ bảo của thầy Park, những tài như Ngọc Hải, Văn Toàn… đều tiến bộ vượt bậc, góp phần mang lại thành công cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.
Thế nên, nói đến thành công của một đội bóng, cần bắt đầu từ vị thuyền trưởng. Họ có thể nhấn chìm một chiến hạm chứa đầy thủy thủ tài năng, nhưng cũng có thể chính họ lèo lái một con thuyền đánh cá vượt trùng dương. Xung quanh việc tái ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo, điều quan trọng không phải là nhà cầm quân Hàn Quốc đưa ra đề nghị bao nhiêu mà câu hỏi đáng quan tâm là Việt Nam có thể trả được bao nhiêu cho một người đang lái chiến hạm chứ không phải… thuyền đánh cá.
Song Việt / VnExpress