Lịch sử ủng hộ Indonesia, U22 Việt Nam phải làm gì để vô địch SEA Games 30?
Thứ Ba, 10/12/2019
Để lên ngôi tại SEA Games 30, U22 Việt Nam phải vượt qua thử thách cuối cùng mang tên U22 Indonesia.
Lịch sử ủng hộ Indonesia
Báo chí Indonesia đang đưa lại một chứng cớ lịch sử có thể sẽ hữu ích để nâng cao tinh thần thi đấu của đội nhà trước trận chung kết bóng đá nam SEA Games 30 với U22 Việt Nam. HLV của U22 Indonesia, Indra Sjafri, là người đã có những kỷ niệm đẹp với Việt Nam tại VCK U19 AFF Cup 2013, khi ông dẫn dắt đội U19 Indonesia đánh bại U19 Việt Nam và lên ngôi vô địch.
Đáng chú ý, ở giải đấu năm đó, U19 Indonesia cũng thua U19 Việt Nam với tỉ số 1-2 ở vòng bảng, nhưng lại thắng ở trận chung kết. Ở lần tái đấu này, HLV Indra Sjafri có 2 cậu học trò từng làm nên chiến tích đó là Evan Dimas Darmono và Zulfiandi. U22 Indonesia có đầy đủ lý do để hướng đến tham vọng cao nhất, khi họ không thua kém Việt Nam bất kỳ chỉ số nào, từ số bàn thắng ghi được hay hiệu số.
Đây là lần thứ 6 Indonesia lọt vào trận chung kết bóng đá nam SEA Games. Ở 5 lần trước đó, họ có 2 lần lên ngôi vào các năm 1987, 1991 và về nhì ở những lần còn lại vào các năm 1979, 1997, 2011. Đáng chú ý, những trận chung kết của Indonesia đều có dính dáng rất nhiều đến những loạt luân lưu. Họ thắng Thái Lan vào năm 1991 nhờ những loạt “đấu súng”, nhưng lại thua Thái Lan (1997) và Malaysia (2011) cũng trên những loạt sút định mệnh.
Với lối chơi dựa chủ yếu vào thể lực và sự kín kẽ trong phòng ngự, U22 Indonesia hoàn toàn có thể kéo U22 Việt Nam vào một cuộc tỉ thí khác trên chấm 11m. Tuy nhiên, với việc Văn Toản đã có một pha cản phá 11m thành công ở giải năm nay, còn Tiến Dũng đã chứng tỏ được năng lực bắt luân lưu ở VCK U23 châu Á 2018, U22 Việt Nam sẽ không có gì phải e ngại nếu trận đấu phải giải quyết bằng những loạt “đấu súng”.
Bài học nhãn tiền từ quá khứ
Việt Nam đã có 5 lần vào chung kết các kỳ SEA Games và chúng ta toàn thua trong các cuộc đối đầu ấy, trong đó có tới 4 lần trước Thái Lan. Ngoài những thất bại cách biệt vào các năm 1995 (thua Thái Lan 0-4), 1999 (thua Thái Lan 0-2), 2005 (thua Thái Lan 0-3), thì bóng đá Việt Nam vẫn có nhiều điều để tiếc nuối ở những trận chung kết bóng đá nam tại SEA Games 2003 và 2009.
Ở kỳ đại hội được tổ chức trên sân nhà vào năm 2003, Việt Nam hứng chịu thất bại ở ngưỡng cửa thiên đường trước người Thái. Văn Quyết làm nổ tung sân Mỹ Đình với bàn gỡ hòa ở phút 90+1, nhưng rồi sự hưng phấn không thể giúp Việt Nam có bàn định đoạt trong những phút còn lại, để rồi bị Thái Lan trừng phạt ở hiệp phụ. Vào năm 2009, Việt Nam đã chơi ăn miếng trả miếng trước Malaysia nhưng lại thua vì một pha phản lưới có phần thiếu may mắn của Mai Xuân Hợp.
Các ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo đã có sự cải thiện vượt trội về bản lĩnh và lối chơi, nhưng trước một danh hiệu vô địch SEA Games đang được cả đất nước chờ đón, trước một đối thủ khó lường như U22 Indonesia, mọi thứ đều có thể xảy ra. Không ai dám chắc Văn Toản hay Tiến Dũng sẽ không mắc lại những sai lầm mà cả hai anh đều đã mắc trong những trận đã qua, và cũng chẳng ai có thể khẳng định Hoàng Đức có thể tung lại được một cú nã đại bác tương tự để giải cứu cho đội nhà.
Điều Việt Nam cần trong những trận đấu kiểu này chính là việc tận dụng tốt các thời cơ có được. May thay, chúng ta có Tiến Linh và Đức Chinh đang có phong độ cao. Chúng ta cũng đã biết cách vượt qua nghịch cảnh (thắng ngược U22 Indonesia, hòa U22 Thái Lan sau khi bị dẫn 0-2). Giờ đây, chỉ cần vào trận với một thái độ hợp lý, không đua sức với đội bạn và kiên nhẫn hơn nữa, U22 Việt Nam sẽ có được điều mình muốn.