Notice: Trying to get property 'display_name' of non-object in /data/webhome/beta.ole.vn/public/wp-content/plugins/wordpress-seo/frontend/schema/class-schema-person.php on line 151

Notice: Trying to get property 'user_email' of non-object in /data/webhome/beta.ole.vn/public/wp-content/plugins/wordpress-seo/frontend/schema/class-schema-person.php on line 226

Notice: Trying to get property 'display_name' of non-object in /data/webhome/beta.ole.vn/public/wp-content/plugins/wordpress-seo/frontend/schema/class-schema-person.php on line 232

Thua Campuchia để lộ lỗi hệ thống của bóng đá trẻ Việt Nam

Thứ Bảy, 17/08/2019


Thất bại của U18 Việt Nam cho ta cơ hội thực hiện một cái nhìn về khoảng sau của nền bóng đá, nơi lẽ ra phải là trạm tiếp sức cho mũi tiên phong mang tên U23 Việt Nam.

2 tuần đầu tiên của tháng 8 liên tiếp mang tới những tin không vui cho bóng đá Việt Nam. Hai đội tuyển trẻ U15 và U18 quốc gia xuất quân ở sân chơi Đông Nam Á đều chịu thảm bại. U18 Việt Nam thua đau trước Campuchia, U15 Việt Nam bị Malaysia loại ở bán kết.

Tính cả SEA Games 2017 và Giải U22 Đông Nam Á 2019, đó là lần thứ 7 liên tiếp, bóng đá trẻ Việt Nam gây thất vọng ở sân chơi khu vực.

Rõ ràng, hệ thống đào tạo trẻ của chúng ta đang có vấn đề trong việc sản sinh những tài năng mới.

Thất bại của U18 Việt Nam bộc lộ nhiều vấn đề của nền bóng đá. Ảnh: Quang Thịnh.

Khoảng trống phía sau

Năm 2007, bầu Đức tuyển cùng một lúc hai lứa đầu tiên của Học viện HAGL JMG: Lứa 1 của Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh…, lứa 2 của Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Phan Thanh Hậu. Cùng thời điểm đó, Viettel tuyển lứa đầu của Bùi Tiến Dũng, Trương Văn Thiết, sau đấy là lứa 2 của Nguyễn Trọng Đại, Nguyễn Hoàng Đức. CLB Hà Nội đưa Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Nguyễn Quang Hải về từ lò trẻ Gia Lâm.

Sau đó ít lâu, PVF nhảy vào cuộc với lứa Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng, Trương Văn Thái Quý. Ở những miền khác, Bùi Tiến Dũng gia nhập lò đào tạo trẻ Thanh Hóa, Huỳnh Tấn Sinh về Quảng Nam…

Đó là thời điểm bùng nổ hệ thống đào tạo trẻ sau nguồn cảm hứng Asian Cup 2007 và AFF Cup 2008.

Nếu nguồn lực đào tạo trẻ là một khu vườn đang đến vụ thu hoạch thì mẻ lưới đầu tiên ấy đã quét sạch những con người tốt nhất của thế hệ 1995-1998, để lại phía sau một khoảng trống dài. Lấy HAGL làm ví dụ, khóa 3 của phố núi ở độ tuổi 1999-2000, cách khá xa hai khóa đầu tiên. Khóa 3 cũng là khóa kém nhất, bị đánh giá thấp nhất trong 3 lứa cầu thủ đã xuất hiện dưới màu áo Học viện HAGL JMG. Ở các lò đào tạo khác, khoảng trống tương tự cũng xuất hiện.

Một vấn đề khác cần được xem xét là quy luật biến động của hoạt động đào tạo trẻ. Khác với các dây chuyền sản xuất tự động, tài năng bóng đá là một “sản phẩm” đặc biệt mà những quy trình chuẩn mực, sự đầu tư, chăm sóc không hề đảm bảo sẽ mang về những kết quả tương xứng. Một lớp cầu thủ giỏi ra đời không phải sự đảm bảo cho thế hệ kế cận của họ.

Đó là điều đã được kiểm chứng ngay cả với những hệ thống đào tạo danh tiếng nhất thế giới. Barcelona chưa có thêm tài năng trẻ nào xuất chúng sau lứa 1987 (điều mà chính HLV Hoàng Anh Tuấn đã nói) trong khi MU vẫn mải miết đi tìm thế hệ sau của lứa 1992.

HLV Chung Hae-seong, đồng hương Hàn Quốc của ông Park Hang-seo, cũng phải thừa nhận: “Tôi nghĩ bóng đá để thành công phải đúng thời điểm. Ông Park là HLV giỏi, chất lượng, nhưng thời điểm ông ấy và tôi có mặt ở Việt Nam cũng may mắn.

Danh Trung (trái) và Martin Lo là những cái tên hiếm hoi có thể bổ sung cho U23 Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Một cái nhìn về phía sau

Nói thế để thấy HLV Hoàng Anh Tuấn may mắn thế nào khi được tiếp quản lứa 1997 của Quang Hải, Đình Trọng, Đức Chinh. Ông là người đầu tiên dẫn dắt lứa cầu thủ này khi họ bước lên một đội tuyển lớn và nhờ họ đã giành được không ít vinh quang. Vậy thì hoàn toàn hợp lý khi ông cũng là người đầu tiên chịu tác động từ sự ra đi của lứa này.

Một cái nhìn về phía sau ở thời điểm này sẽ là lời nhắc nhở cho chúng ta về tương lai phía trước. Hôm nay, tuyển U18 và ông Tuấn là nạn nhân của sự thiếu hụt tài năng thời hậu Quang Hải. Ngày mai có thể đến lượt U23 hoặc tuyển quốc gia.

Giống như U20 Việt Nam năm xưa, thành công của triều đại Park Hang-seo đã được dựng nên bởi 2 lứa cầu thủ nòng cốt: Lứa 1995 và lứa 1997. Xuyên suốt 4 giải đấu lớn đã qua từ đầu năm 2018 tới nay, nhóm cầu thủ này luôn là trụ cột của đội tuyển. Sự bổ sung cho họ, nếu có, chỉ tới từ những đàn anh hơn tuổi chứ hiếm khi tới từ nhóm phía sau.

Đội hình 11 cầu thủ đá chính trước U23 Thái Lan ở Mỹ Đình hồi tháng 3 chỉ có thêm một cái tên mới là Triệu Việt Hưng. 10 người còn lại đều là thành viên của lứa 1997 đã dự World Cup.

Hơn một năm rưỡi, nền bóng đá gần như không mang tới sự bổ sung chất lượng nào cho U23 Việt Nam. Những Trần Bảo Toàn, Lê Minh Bình, Phạm Xuân Tạo đều từng được ca ngợi. Nhưng không ai trong số họ đạt tới trình độ cần thiết. Cái tên mới đáng kể nhất có thể gia nhập U23 là một Việt kiều được đào tạo ở Australia: Martin Lo.

Lứa 1997 của Quang Hải, Bùi Tiến Dũng đang là nòng cốt cho mọi thành công của HLV Park Hang-seo. Ảnh: Minh Chiến.

Ai cho cầu thủ trẻ chơi bóng?

Bên cạnh câu chuyện đào tạo, kinh nghiệm thi đấu của những lứa đàn em cũng kém xa thế hệ 1995-1997. Khác với lứa 1995 được hỗ trợ bởi bầu Đức, lứa 1997 có những đợt tập huấn dài trước U20 World Cup, các thế hệ sau đều thiếu hụt kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. HLV Hoàng Anh Tuấn thậm chí không có đủ thời gian để tập huấn và thường chỉ đủ nhân sự tốt nhất ít ngày trước giải. 3 năm gần đây, ông Tuấn liên tục phải phàn nàn vì U18 Việt Nam không có lực lượng tốt nhất do các CLB không nhả người. Năm nay, tuyển U18 không có một cầu thủ nào tới từ Hà Tĩnh, CLB đang cạnh tranh suất thăng hạng V.League mùa sau.

Các cầu thủ trẻ cũng không nhận được nhiều kinh nghiệm trong quá trình thi đấu ở CLB. Dù Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chủ động sắp xếp lại hệ thống thi đấu của các giải U17, U19 và U21 quốc gia, nỗ lực đó vẫn chưa tăng được nhiều số trận trung bình/cầu thủ ở cấp độ trẻ. Muốn các cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn, VFF có thể tính tới hai phương án: Tăng số trận ở các hạng đấu thấp hơn hoặc tổ chức những giải quốc nội riêng cho lứa trẻ.

Nhưng cả hai cách này đều không khả thi bởi không có nhiều CLB chuyên nghiệp Việt Nam sở hữu đủ số lượng đội trẻ như yêu cầu của Liên đoàn. Mô hình nón ngược của hệ thống bóng đá chuyên nghiệp với chỉ 13 đội ở hạng Nhì, 8 đội ở hạng Ba cũng không ủng hộ giải pháp này. Thử nhìn sang người hàng xóm cùng khu vực Thái Lan, Thai League 3 có 14 còn Thai League 4 có 64 đội – quá nhiều cơ hội cho những cầu thủ trẻ.

Khi U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á 2018, nhiều chuyên gia đã đề xuất bắt buộc mỗi CLB phải đưa vào sân một số lượng cầu thủ U23 cố định. Ý kiến này sau đó bị lãng quên.

HLV Park Hang-seo từng nói vấn đề không phải là bóng đá Việt Nam có đủ sức dự World Cup hay không. Vấn đề là Việt Nam có sẵn sàng hay không? Muốn sẵn sàng, chúng ta phải chuẩn bị, phải có những hành động đồng bộ, toàn diện từ Liên đoàn tới từng CLB. PVF hay HAGL có thể làm tốt việc của họ nhưng chẳng lò đào tạo đơn độc nào đủ để đưa một nền bóng đá tới Cúp thế giới.

Khi những điều đó chưa được giải quyết, khoảng trống phía sau Quang Hải và đồng đội vẫn còn trải dải. Chúng ta cũng có thể hiểu được tại sao VFF sốt sắng đến thế với mục tiêu HCV SEA Games 2019. Bởi giải đấu này cũng là lần cuối cùng thế hệ Quang Hải được góp mặt ở Đại hội thể thao khu vực.