U23 Việt Nam tranh hùng châu Á: Kịch bản nào để vào tứ kết, sẽ nhất hay nhì bảng?
Chủ Nhật, 05/01/2020
U23 Việt Nam sẽ đối mặt những thử thách như thế nào ở vòng bảng giải U23 châu Á?
U23 Việt Nam sẽ bước vào vòng chung kết U23 châu Á 2020 trong 1 tuần nữa và mặc dù đã đoạt ngôi Á quân 2 năm về trước, chúng ta vẫn vào giải với sự thận trọng. Không những bóng đá Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vượt tới tầm đẳng cấp hàng đầu châu lục, đối thủ đã biết nhiều hơn về chúng ta và hơn nữa giải năm nay sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn do phần thưởng là 3 tấm vé dự Olympic Tokyo.
U23 UAE, U23 Jordan và U23 Triều Tiên không phải là những đối thủ mạnh nhất của châu lục, nhưng ở một giải trẻ thì sự khó lường luôn hiện diện và những đội tuyển không được đánh giá cao cũng có thể làm nên bất ngờ (như chính chúng ta tại Thường Châu 2018). Vậy cơ hội nào cho U23 Việt Nam để vượt qua vòng bảng?
U23 UAE là đối thủ đáng gờm nhất của bảng đấu và ở một góc độ nào đó họ cũng giống như U23 Hàn Quốc ở giải năm 2018, đối thủ chúng ta khó có thể đánh bại nhất lại là đội ở trận mở màn. Họ có khoảng 5 cầu thủ đã là tuyển thủ quốc gia và cũng có từng đó người trong đội hình đã đánh bại U23 Việt Nam ở trận tranh HCĐ tại ASIAD 2018.
U23 UAE đã bất bại trong các trận giao hữu chuẩn bị cho giải, bao gồm cả trận hòa U23 Việt Nam tại sân Thống Nhất hồi tháng 10/2019, và những đối thủ họ giao hữu cùng đều khá mạnh như U23 Saudi Arabia, U23 Uzbekistan và U23 Hàn Quốc. Chiến thuật tinh thông và lực lượng đồng đều, họ sẽ là đội tuyển có khả năng cao đoạt ngôi đầu bảng.
U23 Jordan cũng là một đội mạnh nhưng không phải ở tầm cỡ hàng đầu châu lục, họ đã bị loại ở vòng bảng giải năm 2018 và chưa tái hiện được thành tích vào bán kết năm 2013. Bên cạnh đó ở giải năm nay họ đã không thể triệu tập trụ cột hàng công Musa Al-Taamari do CLB APOEL của Đảo Cyprus không trả về đội tuyển.
Sự bất định ở các vị trí hàng công đã dấy lên những tin đồn rằng U23 Jordan sẽ vào trận với tâm thế sẵn sàng đá “cửa dưới” thay vì đôi công. Họ đã thử nghiệm những chiến thuật phòng ngự trong thời gian qua và được đánh giá là có kết quả khá tích cực ở trận hòa 1-1 trước U23 Saudi Arabia.
Trong khi đó U23 Triều Tiên là đội khó lường nhất bảng đơn giản vì sự bí mật và khó tiếp cận của đội tuyển này xuất phát từ bối cảnh chính trị. Thậm chí đã có tin đồn đội tuyển này có thể bỏ giải, nhưng việc mới đây họ công bố danh sách đăng ký 23 cầu thủ chứng tỏ họ sẽ dự giải, chỉ là chúng ta chưa biết thực lực của họ ra sao.
Thành tích gần đây của các đội tuyển bóng đá Triều Tiên không mấy ấn tượng. Họ 3 lần liên tiếp không qua được vòng bảng Asian Cup mà ở giải năm 2019 vừa qua còn thua sạch 3 trận, tuyển U23 chỉ vào tứ kết ASIAD 2018 và tuyển U19 đã 2 giải châu Á liên tiếp không qua vòng bảng. Thậm chí khi đối đầu các đội tuyển bóng đá của Việt Nam, từ năm 2015 đến nay các lứa tuyển Việt Nam đã thắng 1 hòa 2 trong 3 lần gặp các đại diện Triều Tiên.
Các đội tuyển Triều Tiên có phong cách làm việc khá “dị” khi trong năm họ tập trung tuyển thủ với thời gian còn nhiều hơn cả thời gian cầu thủ tập trung ở CLB, do đó lối chơi của họ được đánh giá là khá nhuyễn. May mắn cho HLV Park Hang Seo và các cộng sự là trận gặp U23 Triều Tiên sẽ đến với U23 Việt Nam ở lượt cuối vòng bảng và khi đó hẳn ông đã có nhiều tư liệu để nắm bắt về họ và nghĩ ra kế sách đối phó.
Với cục diện của bảng D, U23 Việt Nam nếu vượt qua vòng bảng cũng khó tranh được ngôi đầu nếu U23 UAE chơi đúng sức. Không thua U23 UAE sẽ là một khởi đầu rất tốt cho chúng ta, và thắng được một trong hai đối thủ kia cũng như hòa nốt đội tuyển còn lại sẽ giúp U23 Việt Nam có vé vào tứ kết.